Kỹ năng truyền thông là gì? Vai trò của kỹ năng truyền thông

Bên cạnh khả năng giao tiếp, kỹ năng truyền thông cũng là một điểm mạnh giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực. Kỹ năng này giúp ta kết nối với mọi người xung quanh, truyền tải thông điệp chính xác từ đó làm việc dễ dàng và nhanh chóng đạt được mục tiêu. Vậy kỹ năng truyền thông là gì? Phải làm gì để nâng cao kỹ năng truyền thông của bản thân? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Kỹ năng truyền thông là gì?

Kỹ năng truyền thông trong tiếng Anh có thể được dịch là Communication Skill. Đây là thuật ngữ được dùng để đề cập đến các kỹ năng liên quan đến việc giao tiếp và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả.

Kỹ năng truyền thông không chỉ là về cách truyền đạt bằng lời mà còn về nhiều khía cạnh khác như ngôn từ, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể và các khả năng sử dụng phương tiện truyền thông khác nhau như nghe, đọc và viết. Bạn được đánh giá là có kỹ năng truyền thông cao là khi bạn có thể biểu đạt ý kiến, lắng nghe, hiểu rõ và phản ứng lại thông điệp từ người khác một cách chính xác.

Hiện nay, hầu như mọi ngành nghề và lĩnh vực đều yêu cầu người lao động cần có kỹ năng truyền thông. Có thể công việc đó không yêu cầu phải giao tiếp với khách hàng nhưng kỹ năng truyền thông vẫn cần thiết trong việc trao đổi công việc, thông tin với đồng nghiệp, cấp trên và đối tác. Chính vì thế, đây là một trong những kỹ năng mà nhà tuyển dụng luôn muốn tìm kiếm ở ứng viên của mình.

Vai trò của kỹ năng truyền thông

Kỹ năng truyền thông quan trọng trong nhiều lĩnh vực bởi nó có vai trò quan trọng và có thể đem lại nhiều lợi ích trong quá trình làm việc. Sau đây là một số vai trò phổ biến của kỹ năng truyền thông:

1.   Giao tiếp hiệu quả hơn

Kỹ năng truyền thông tốt giúp thông tin truyền đạt một cách hiệu quả và nhanh chóng. Nhờ đó, các thành viên trong đội nhóm có thể biểu đạt ý kiến, suy nghĩ và thông điệp một cách rõ ràng và dễ hiểu hơn. Điều này giúp các thành viên gắn kết với nhau hơn, cấp trên thấu hiểu nhân viên và khách hàng không cần tốn nhiều thời gian để hiểu thông điệp, lợi ích của doanh nghiệp mang lại.

2.   Xây dựng mối quan hệ

Truyền thông là cầu nối để xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa cá nhân và chuyên môn, giữa các thành viên trong nhóm, giữ doanh nghiệp và khách hàng, đối tác. Khi thông điệp được truyền tải và hiểu một cách toàn diện, nhanh chóng sẽ là tiền đề để mối quan hệ phát triển tốt đẹp. Việc thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của người khác thông qua kỹ năng truyền thông có thể tạo ra môi trường làm việc tích cực, hòa thuận và hiệu quả.

3.   Giáo dục và hướng dẫn

Kỹ năng truyền thông là một công cụ mạnh mẽ trong việc truyền đạt kiến thức, thông tin và kinh nghiệm từ người này sang người khác. Các thông tin có thể được chia sẻ và hướng dẫn bằng nhiều phương tiện khác nhau để tiếp cận đến đối tượng đối tượng mục tiêu.

4.   Tạo sức ảnh hưởng và thuyết phục

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, kỹ năng truyền thông được sử dụng đúng cách có thể tạo sức ảnh hưởng, từ đó thuyết phục khán giả, khách hàng tiềm năng tin tưởng và có ấn tượng tốt với thương hiệu. Từ đó dẫn đến hành vi mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.

5.   Quản lý xung đột

Trong các trường hợp xảy ra tranh cãi hay môi trường làm việc không hòa thuận, kỹ năng truyền thông có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột. Khi ta có thể lắng nghe và thấu hiểu đối phương, xung đột sẽ được giải quyết nhanh chóng và ổn thoả hơn. Đặc biệt trong những lúc căng thẳng và nhạy cảm, khả năng truyền đạt thông tin khéo léo và chính xác có thể mang lại hiệu quả truyền thông ngoài sức mong đợi.

Cách cải thiện kỹ năng truyền thông

Sở hữu kỹ năng truyền thông tốt xuất phát từ tính cách và bản thân của mỗi người. Tuy nhiên, kỹ năng này hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua rèn luyện trong quá trình làm việc và cả trong đời sống.

Đầu tiên, trước khi muốn truyền đạt thông tin một cách chính xác, bạn cần biết người nghe cần nhận những thông tin gì. Để làm được điều này, bạn nên tập cách lắng nghe một cách tích cực. Hãy tập cách lắng nghe mọi người xung quanh một cách chân thành và tập trung khi người khác đang nói. Tiếp đó, hãy đặt câu hỏi và xác nhận để đảm bảo bạn hiểu đúng thông điệp của họ.

Tiếp theo, hãy học cách diễn đạt ý kiến của mình một cách rõ ràng. Bất kể khi nào bản thân bắt đầu nêu ý kiến, hãy diễn đạt chúng đến người đối diện một cách tự tin, rõ ràng và rành mạch. Bằng cách này, người đối diện sẽ tập trung vào thông điệp của bạn và có thể hiểu chúng một cách chính xác và nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể rèn luyện các kỹ năng khác như khả năng phát âm rõ ràng, kỹ năng viết chuyên nghiệp hay giao tiếp phi ngôn ngữ để kỹ năng truyền thông được cải thiện tốt hơn.