Khu vực tuyển sinh là gì? Thí sinh thuộc khu vực tuyển sinh có những ưu tiên gì?

Đối với kỳ thi mang tính toàn quốc như kỳ thi đại học hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cập nhật và đưa ra các quy định nhằm mang lại tính công bằng cho tất cả các thí sinh. Trong đó, những thí sinh thuộc các khu vực tuyển sinh nhất định sẽ được hưởng điểm ưu tiên tuỳ thuộc vào quy định của Bộ hay cơ sở giáo dục ở đó. Vậy khu vực tuyển sinh là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Khu vực tuyển sinh là gì?

Khu vực tuyển sinh là thuật ngữ dùng để chỉ vùng địa lý hoặc khu vực đặc biệt mà các cơ sở giáo dục như trường đại học áp dụng các quy định tuyển sinh riêng biệt. Cụ thể hơn, trong một quốc gia, hệ thống giáo dục có thể chia khu vực tuyển sinh thành các vùng địa lý hoặc các tiêu chí như kinh tế, văn hoá, dân số… Việc này được thực hiện dựa vào các yếu tố như sự đa dạng địa lý và xã hội trong việc tuyển sinh.

Mục tiêu chính của việc này là tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa các ứng viên đến từ các khu vực khác nhau. Có những thí sinh ở những khu vực xa xôi, nơi điều kiện học tập không thuận lợi như những nơi có kinh tế phát triển. Do đó, các cơ quan giáo dục thường áp dụng các ưu tiên cụ thể để đảm bảo rằng tất cả học sinh, bất kể nơi họ đến từ, có cơ hội công bằng và có thể cạnh tranh một cách công bằng trong quá trình tuyển sinh.

Khu vực tuyển sinh được phân chia như thế nào?

Trong năm 2024, các khu vực tuyển sinh sẽ được phân chia như sau:

  • Khu vực 1 (KV1) gồm: Các xã khu vực I, II, III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Khu vực 2 – nông thôn (KV2-NT) gồm: Các địa phương không thuộc KV1, KV2, KV3.
  • Khu vực 2 (KV2) gồm: Các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
  • Khu vực 3 (KV3) gồm: Các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Thí sinh thuộc KV3 không thuộc diện hưởng ưu tiên khu vực.

Điểm ưu tiên được tính theo khu vực ưu tiên như thế nào?

  • Khu vực 1 (KV1): mức điểm ưu tiên là 0,75 điểm
  • Khu vực 2 – nông thôn (KV2- NT): mức điểm ưu tiên là 0,5 điểm
  • Khu vực 2 (KV2): 0,25 điểm
  • Khu vực 3 (KV3): không tính điểm ưu tiên

Ngoài điểm cộng theo khu vực như trên, một số trường hợp thí sinh có thể được hưởng ưu tiên đối tượng theo quy chế hiện hành . Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 sẽ được hưởng mức cao nhất là cộng 2 điểm, nhóm ưu tiên 2 sẽ được hưởng mức cộng 1 điểm.

Với thí sinh đạt từ 22,5 điểm/ 3 môn trở xuống vẫn được hưởng điểm ưu tiên như đã nêu. Tuy nhiên, đối với thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm tối đa 30 điểm của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm tính theo thang 10), mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Theo Quy chế tuyển sinh trình độ Đại học và Cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, công thức tính điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 22,5 điểm trở lên như sau:

Mức điểm được hưởng = [(30 – tổng số điểm đạt được)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường (bao gồm mức điểm ưu tiên theo đối tượng ưu tiên và mức điểm ưu tiên theo khu vực)

Thí sinh nào được xét theo khu vực như thế nào?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:

– Khu vực tuyển sinh của thí sinh được xác định theo địa điểm của trường Trung học phổ thông hoặc Trung cấp mà thí sinh có thời gian theo học lâu nhất. Trong trường hợp thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì thí sinh sẽ được xem là thuộc khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng;

– Đối với các trường hợp ưu tiên khu vực theo nơi thường trú:

  • Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định.
  • Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học Trung học phổ thông hoặc Trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135; các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
  • Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.

– Thí sinh hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc Trung cấp và một năm kế tiếp.