Kinh Nghiệm Thực Tập Trong Mẫu CV Xin Việc

Trong thị trường việc làm đầy cạnh tranh ngày nay, một kinh nghiệm thực tập phù hợp có thể tách riêng bạn với phần đông ứng viên khác. Điều này đặc biệt chính xác nếu bạn đang là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp với ít kinh nghiệm đi làm, hoặc nếu bạn muốn thử sức trong lĩnh vực khác.

Đừng dấu kinh nghiệm thực tập ở cuối mẫu CV xin việc. Thay vào đó, hãy làm nổi bật mục đó và nêu chi tiết cách những kinh nghiệm này giúp bạn sẵn sàng với công việc bạn nhắm đến.

Khi nào nêu kinh nghiệm thực tập trong mẫu CV xin việc

Đó là khi kinh nghiệm thực tập phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển. Đặc biệt trong trường hợp khi bạn còn đang là sinh viên hoặc chỉ vừa mới tốt nghiệp với hạn chế kinh nghiệm làm việc. Các kì thực tập cung cấp cho bạn kinh nghiệm quan trọng trong một lĩnh vực cụ thể, vì vậy hãy chắc chắn bạn sẽ nêu điều này để thể hiện kĩ năng và khả năng của bạn.

Bạn cũng nên trình bày kinh nghiệm thực tập khi bạn bắt đầu một sự nghiệp mới. Trong khi có thể bạn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, những công việc này có khi không liên quan đến sự nghiệp mới của bạn. Hãy làm nổi bật bất kì kinh nghiệm thực tập nào đã chuẩn bị cho bạn bước vào ngành công nghiệp mới.

Khi nào không nên nêu kinh nghiệm thực tập trong mẫu CV xin việc

Bạn có thể dần bỏ bớt kinh nghiệm thực tập lúc viết CV, khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của mình. Sau khoảng 5 năm hoặc hơn (hoặc 2-3 công việc) trong ngành của mình, bạn có thể tập trung chủ yếu vào lịch sử làm việc hơn là kinh nghiệm thực tập trong quá khứ.

Tuy nhiên, nếu bạn có kinh nghiệm thực tập ở một vị trí uy tín trong lĩnh vực của mình, bạn có thể giữ thông tin này khi viết CV. Ví dụ như, nếu bạn từng là thực tập sinh ở Google hoặc Facebook, hoặc những công ty quan trọng trong cùng lĩnh vực, hãy giữ nội dung này trong CV.

Nêu kinh nghiệm thực tập ở đâu

Vì các kì thực tập cung cấp kinh nghiệm làm việc quan trọng, nên bạn hãy nêu thông tin này trong mục “Kinh nghiệm làm việc” hoặc “Lịch sử làm việc” trong CV, cùng với những kinh nghiệm làm việc khác.

Nếu bạn có vô số kinh nghiệm thực tập, bạn có thể tạo một mục riêng “Kinh nghiệm thực tập”. Đặt mục này trước “Lịch sử làm việc” nếu những kì thực tập của bạn đặc biệt phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển.

Dù bạn làm gì, đừng đặt mục này ở cuối CV hoặc trong cùng mục “Trình độ học vấn”. Những kì thực tập là kinh nghiệm trong thế giới thực tế, và cần được đánh giá ngang với kinh nghiệm làm việc.

Nên trình bày kinh nghiệm thực tập như thế nào

Khi trình bày kinh nghiệm thực tập trong mẫu CV xin việc, hãy nêu cùng loại thông tin như với các công việc khác. Đầu tiên, nêu chức danh thực tập. Nếu có thể, đừng dùng “Thực tập sinh” – hãy hỏi hướng dẫn thực tập của bạn liệu bạn có một chức danh cụ thể hơn không, như “Thực tập Marketing” hoặc “Thực tập trợ lí kinh doanh”.

Đồng thời, hãy nêu tên công ty, địa chỉ và thời gian thực tập. Bạn có thể liệt kê thời gian theo tháng và năm.

Bên dưới thông tin này, hãy dùng 2-4 đánh dấu đầu dòng liệt kê những nhiệm vụ bạn đảm nhận và những thành tựu bạn đạt được trong kì thực tập. Hãy tập trung vào những thông tin nào liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Ví dụ như, nếu bạn ứng tuyển công việc viết lách, hãy đề cập cách bạn đã viết và cho xuất bản năm bài báo trong suốt kì thực tập.

Bạn không cần nêu những phần việc ít liên quan, như trả lời điện thoại hoặc photo giấy tờ.

Nếu bạn gặp khó trong quyết định nhiệm vụ và thành quả nào nên được trình bày, thì hãy bắt đầu bằng cách lập một danh sách dài tất cả mọi việc bạn đã làm trong kì thực tập. Sau đó, hãy xem yêu cầu tuyển dụng của vị trí bạn ứng tuyển. Khoanh tròn lại những thông tin nào trong danh sách của bạn phù hợp kĩ năng hoặc năng lực cần có cho công việc. Hãy làm nổi bật cụ thể những kinh nghiệm này.

Đồng thời, hãy hỏi hướng dẫn thực tập giúp bạn trong việc viết CV. Họ có thể giúp bạn làm nổi bật những kĩ năng, kinh nghiệm quan trọng nhất cho doanh nghiệp, và có thể hướng dẫn bạn những nội dung trọng điểm nào cần nêu.

Thêm nữa, hãy đảm bảo bạn trình bày kinh nghiệm thực tập sao cho thống nhất với những kinh nghiệm làm việc khác của mình.

Một lần nữa, kì thực tập cũng quan trọng như công việc đối với sự nghiệp của bạn, vì vậy, bạn không nên trình bày chúng khác nhau. Đặc biệt là khi bạn nêu chung trong mục “Lịch sử làm việc”. Ví dụ như, nếu bạn tô đậm chức danh trong công việc, hãy làm tương tự với chức danh thực tập.

 

https://www.thebalancecareers.com/how-to-list-an-internship-on-a-resume-4173980